Hùng ca - Tình ca
Tình bạn đẹp hai người nghệ sĩ Việt.
Văn Cao là nhạc sĩ huyền thoại với những bản "Trường ca Sông Lô" bất tử, với khúc Tiến Quân Ca được cất lên bởi hàng triệu người Việt Nam. Còn Phạm Duy, ông hoàng tình ca, hàng ngàn ca khúc ông sáng tác, vẫn đang nằm lòng biết bao thế hệ (như Hàn Mặc Tử, Ngày đó chúng mình, Còn gì nữa đâu....) . Một người trầm lắng, một người lãng du. Vậy mà số phận khéo xếp 2 nửa trời đất như thế thành một bản thể hài hoà, một tình bạn tri kỉ đẹp như khúc ca. Dẫu rằng có nặng tiếng bi ai, nhưng chạm thấu tới trái tim cảm thụ mỗi người.
Phạm Duy trước là một ca sĩ du ca của đoàn hát Đức Huy. Năm 1944, đoàn hát đến Hải Phòng biểu diễn. Ông biểu diễn bài "Buồn Tàn Thu" và không hề biết rằng, tác giả của bài hát - nhạc sĩ Văn Cao- đang đứng dưới nghe hát. Nhờ những người bạn mà Phạm Duy có dịp được đến thăm nhà của Văn Cao. Và tình bạn của họ bắt đầu từ đây.
Trong thời gian ở Hải Phòng, Phạm Duy và Văn Cao hay la cà các chốn ăn chơi như những người bạn trẻ. Nhạc phẩm Bến xuân hay Suối mơ, có lẽ đã ra đời trong những dịp hai người ngồi cùng nhau bên ly trà, trên con phố trải đầy hoa phượng. Rồi Văn Cao khuyên người bạn nên theo đuổi con đường sáng tác. Những nốt nhạc đầu của Phạm Duy đã có sự giúp đỡ của nhạc sĩ Văn Cao.
Sau thời gian lưu trú tại Hải Phòng, Phạm Duy tạm biệt người bạn của mình để tiếp tục con đường du ca. Đến bất cứ đâu, ông cũng đều hát những ca khúc của Văn Cao. Ông chính là người đã phổ rộng khúc Tiến Quân Ca đi khắp miền tổ quốc, đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm Quốc Ca Việt Nam năm 1945.
Sau Cách mạng tháng 8, Văn Cao gặp lại Phạm Duy ở Hà Nội. Hai người thường xuyên hẹn ở phòng trà trên góc phố Hàng Gai. Ngày toàn quốc kháng chiến Văn Cao được lệnh đưa giới văn nghệ rời khỏi thủ đô để đi tản cư. Văn Cao cố tìm gặp Phạm Duy, tìm mãi mới thấy bạn mình ở Phố Huế. Văn Cao khuyên Phạm Duy đi tản cư nhưng Phạm Duy bướng quá chưa chịu đi ngay
Lo cho bạn, Văn Cao đưa cho Phạm Duy một tờ giấy giới thiệu có chữ ký của cụ Võ Nguyên Giáp và dặn là khi nào kháng chiến nổ ra thì tìm đến Đài Phát thanh để sinh hoạt. Phạm Duy sinh hoạt ở Đài Phát thanh trong thời gian nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc.
Năm 1947, đang ở chiến khu Việt Bắc, Văn Cao nhận nhiệm vụ mở một quán cà phê ca nhạc ở Biên Thùy (Lào Cai) để thu thập tin tức phục vụ cho cách mạng. Văn Cao nhắn Phạm Duy lên miền ngược biểu diễn âm nhạc. Phạm Duy lên ngay và hai người lại có điều kiện để cùng nhau đàm đạo về nghệ thuật.
Nhưng Phạm Duy vốn là một người phóng khoáng lại đào hoa, tích cách này khác hẳn với Văn Cao và không phù hợp trong môi trường kháng chiến. Văn Cao từng nhiều lần tranh cãi với Phạm Duy và điều này, nhưng Phạm Duy không nghe. Và cuối cùng Phạm Duy quyết định chia tay bạn mình và tiếp tục con đường du ca, sau chuyển dần vào Nam sinh hoạt.
Vào miền Nam, Phạm Duy như cá gặp nước, ông thoả sức sáng tác rất nhiều khúc tình ca, trường ca. Ông đã thay đổi cả nền Tân nhạc, khoác cho miền Nam một thời kì văn hoá nghệ thuật hưng thịnh. Còn ở Miền Bắc, do tính chất văn hoá, chính trị mà Văn Cao gần như phải gác ngòi bút âm nhạc của mình, trong rất nhiều năm ông không được sáng tác. Dẫu Bắc-Nam xa cách nhưng 2 người vẫn gửi lời hỏi thăm nhau.
Phạm Duy định cư ở Mỹ, tiếp tục nghiên cứu âm nhạc và truyền thông cho âm nhạc Việt Nam, âm nhạc Phương Đông tới trường Đại học của Mỹ. Năm 2005, ngày ông trở về Việt Nam thì Văn Cao đã về với đất trời. Ông chỉ kịp bồi hồi thắp nén hương cho người bạn tri kỉ.
Tình bạn là một thứ tình cảm kỉ lạ, có những người tâm đầu ý hợp để mà cùng bước sánh vai, mà có khi cũng có đôi bạn thân tính tình như lửa và nước, nhưng bền chặt đến bách niên giai lão. Phạm Duy và Văn Cao cũng như vậy. Phạm Duy thừa nhận mình là người đào hoa, dạn dĩ cuộc đời. Trong khi Văn Cao lại khá nhút nhát trong tình cảm lứa đôi. Văn Cao kỉ luật, Phạm Duy tự do. Nhưng quan trọng là 2 người rất trọng cái tài của nhau. Khi được phỏng vấn, cả Văn Cao và Phạm Duy đều ca ngợi người bạn của mình.
Tôi tình cờ được nghe lại Trường ca Sông Lô đuợc thể hiện bởi ca sĩ Tùng Dương. Những tiếng hùng ca rộn ràng hào sảng. Rồi như vậy, tôi lại bỗng nhớ đến tình bạn Văn Cao Phạm Duy. Muờng tượng đến cảnh 2 người viết nhạc trong tiết trời lành lạnh như những ngày này. Hơi nước từ chén trà ấm in bóng lên bức tường của quán trà nhỏ trên phố Hàng Gai.
Mỗi khi đơn độc, tôi thầm ước rằng mình có được một chiến hữu như Văn Cao và Phạm Duy từng có như thế,để sẻ chia đam mê, để những thử thách cuộc đời kia chỉ như trò chơi của những kẻ khát khao chiến thắng.
Nhạc sử Việt Nam được mấy những tình bạn như vậy???
-NÚI-